Trong cuộc sống hàng ngày, thói quen ăn uống của người Việt đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp hoặc khiến bệnh nặng thêm. Với người đang phải uống thuốc kiểm soát huyết áp, cần phải chú ý để cho những thay đổi trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không làm ảnh hưởng tới việc dùng thuốc trị huyết áp của người bệnh.
Thuốc trị tăng huyết áp phải dùng đều đặn
Hiện nay, có 6 nhóm thuốc thường dùng đề điều trị tăng huyết áp. Đó là nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc đối kháng canxi, nhóm thuốc ức chế men chuyển và nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau. Dù người bệnh được chỉ định dùng loại thuốc nào thì nguyên tắc quan trọng nhất là điều trị lâu dài, suốt đời. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người bệnh thấy khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp khá ổn định thì lại bỏ không uống thuốc, cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng. Cách điều trị này không có tác dụng dự phòng biến chứng, nghĩa là không có hiệu quả. Vì vậy, dù huyết áp có bình thường, dù cảm thấy khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường thì người bệnh luôn phải uống thuốc đều đặn để đạt được mục đích kiểm soát và duy trì huyết áp. Chớ quên uống thuốc sẽ nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời…
Thực phẩm chứa nhiều muối: Đối với người bình thường, việc ăn nhiều muối sẽ có ảnh hưởng lâu dài nhưng với người bệnh đang phải uống thuốc kiểm soát chỉ số huyết áp sẽ khiến thuốc khó đạt được hiệu quả tối ưu. Nguyên nhân do trong muối ăn có natri làm tiết ra nhiều dịch tế bào, dẫn đến tim đập nhanh, gây huyết áp cao nên nếu ăn mặn sẽ khiến thuốc khó kiểm soát được huyết áp. Các loại thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, nước soda…
Thực phẩm chiên, rán nhiều dầu, mỡ: Thực tế đây là những món ăn được nhiều người yêu thích nhưng với người bị tăng huyết áp thì đặc biệt cần tránh. Việc ăn nhiều thực phẩm chiên rán, thịt mỡ, phủ tạng động vật làm cho hàm lượng mỡ trong máu tăng cao, từ đó khiến động mạch xơ cứng, gây tăng huyết áp. Ngoài ra, việc sử dụng những loại thực phẩm này cũng khiến thuốc huyết áp khó duy trì chỉ số bình thường.
Uống nhiều rượu bia khiến bệnh tăng huyết áp khó kiểm soát.
Uống nhiều rượu, bia: Nhiều công trình khoa học đã chứng minh, khi uống rượu, bia với một mức độ vừa phải có thể làm tăng nồng độ các cholesterol tốt (như HDL-cholesterol), kích thích tuần hoàn, làm giảm nguy cơ tạo thành cục máu đông gây hẹp hay tắc lòng mạch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm huyết áp. Tuy nhiên, khi lượng rượu tiêu thụ thường xuyên tăng nhiều hơn là nguy cơ gây ra vỡ mạch máu ở người bệnh tăng huyết áp mà ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được do rượu làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch. Do đó, nếu uống rượu, hãy uống một lượng nhỏ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một chén rượu mạnh (40 độ, 30ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); một cốc bia hơi (330ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330ml). Nếu bạn đang là một người nghiện rượu, hãy giảm dần và tiến tới ngưng sử dụng để tránh những tác hại của rượu lên sức khỏe và huyết áp.
Như vậy, ẩm thực và cách ăn, uống có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của thuốc trị tăng huyết áp. Do đó, để luôn khỏe mạnh và thuốc tăng huyết áp luôn phát huy tác dụng thì người bệnh phải kiểm soát được chế độ ăn của chính mình bằng cách cắt giảm muối, tập luyện thể thao, tránh căng thẳng, ăn uống lành mạnh với chế độ ăn giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và tránh chất béo bão hòa, thực phẩm giàu cholesterol…
TS.Tạ Tiến Phước
Tin liên quan
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Bệnh gút (Gout)
Ung thư từ ăn uống và Kẻ giết người giấu mặt
Mối liên quan giữa ăn uống với bệnh ung thư
Người Việt uống hơn 4 tỉ lít bia/năm
Kiểm soát bệnh mạn tính trong các kỳ nghỉ
Giảm muối để phòng bệnh nguy hiểm
Những điều cần biết để tiêm chủng an toàn cho con trẻ